Công chức hay doanh nhân đều là công dân, nhưng đang có một câu hỏi khá phổ biến trong thanh niên Việt Nam hiện nay, đó là nên làm công chức hay làm doanh nhân?
Câu chuyện này được Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa 6 Mai Hữu Tín đặt ra, trong phiên làm việc được truyền hình trực tiếp sáng 29/12 của Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ 7.
Là đại biểu Quốc hội đương nhiệm, vừa rời cương vị Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chưa lâu, hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I, những trải nghiệm được ông Tín trao đổi tại đại hội này không đơn thuần là kinh nghiệm lập thân, lập nghiệp.
Ba trụ cột tạo ra sự phát triển của xã hội là nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự, đại diện bởi ba con người cụ thể là công chức, doanh nhân và công dân, ông Tín nhắc đến một khái niệm được nói đến nhiều trong thời gian gần đây.
Bày tỏ mong muốn sẽ ngày càng có thêm nhiều bạn trẻ đặt mục tiêu trở thành doanh nhân, vị Chủ tịch U&I “thuyết phục” giới trẻ: “Một điều chắc chắn nhất tôi có thể nói với các bạn, khi làm doanh nhân, bạn sẽ không bao giờ có hai ngày làm việc giống hệt như nhau”.
“Bởi dù bạn có hoạch định tốt như thế nào thì độ dài, tính chất phức tạp, những biến cố phát sinh, những con người bạn gặp trong hai ngày làm việc đó sẽ khác nhau. Sự đa dạng, phức tạp đó tạo ra một cuộc sống vô cùng nhiều màu sắc và thú vị”.
Cho rằng sẽ không có câu trả lời nào chính xác và đầy đủ cho câu hỏi điều gì tạo nên một doanh nhân thành công, từ trải nghiệm bản thân, ông Tín chia sẻ, trước hết cần xác định được ngành nghề yêu thích nhất.
Và nếu lỡ chọn sai thì luôn có thể chọn lại, không chỉ một mà là nhiều lần. Điều quan trọng là phải kịp chọn được nghề yêu thích khi sức khỏe còn cho phép.
Việc chuẩn bị tốt cho sức khỏe, theo ông Tín, là cũng tạo được cho mỗi người một tính cách khác cực kỳ quan trọng cho thành công. Đó là khả năng tự kiểm soát.
Bởi, “sẽ có những lúc bạn buộc phải làm việc gần 20 giờ mỗi ngày trong vài tuần. Sẽ có những lúc bạn phải thử thách thần kinh với những đối thủ có sức khỏe tâm sinh lý đều rất tốt. Sẽ có những lúc bạn phải chấp nhận uống nhiều để chứng tỏ sự chân tình...”.
“Tôi đã biết có lãnh đạo cấp tỉnh không chọn lãnh đạo cấp huyện trở lên có vòng bụng lớn hơn vòng ngực. Và tôi rất thích thú với cách làm này!”, vị doanh nhân trẻ nói.
Trong phiên làm việc có sự hiện diện của cả Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội và nhiều quan chức cấp cao khác, ông Tín bày tỏ rằng đến tận bây giờ, vẫn có thể nhìn thấy ở rất nhiều nơi, ở nhiều cấp độ, những đánh giá, nhìn nhận, và cả thái độ mang tính tiêu cực đối với doanh nhân.
Trong bức tranh kinh tế chung của đất nước những năm gần đây thì càng lúc vai trò của khối đầu tư nước ngoài ngày càng lớn hơn. Điều đó chứng tỏ rằng Việt Nam là một nơi nhiều cơ hội và đáng để làm ăn. Thế nhưng vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân dân tộc đang mờ nhạt đi, nhất là trong sản xuất và phân phối, ông Tín nói.
Và tình hình đó, theo ông, là cần được chung tay góp sức để cải thiện, để nền kinh tế Việt Nam thật sự phải do người Việt làm chủ.
“Chúng ta càng hội nhập thì tính cấp thiết của việc chứng minh chúng ta là ai ngày càng bức bối để có thể tồn tại. Tổ quốc đang rất cần những người trẻ dấn thân vì đất nước”, ông nói.
Theo Nguyên Hà - VnEconomy