Tin Tức

Đại biểu Quốc hội chê gói 29.000 tỷ "chậm, chưa đủ liều"

8/29/2012 12:00:00 AM

Tại phiên thảo luận Dự thảo Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012 sáng nay (12/6), đa phần các đại biểu tán thành gói giải pháp theo đề xuất của Chính phủ, song cho rằng nên triển khai sớm hơn và cần mở rộng phạm vi hỗ trợ hơn so với tờ trình gửi Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền thẳng thắn cho rằng Chính phủ đưa ra gói giải pháp 29.000 tỷ đồng quá chậm. "Nhưng chậm còn hơn không. Nền kinh tế giống cơ thể người, nếu hắt hơi sổ mũi chỉ cần uống thuốc cảm cúm, nhưng nếu để thành bệnh nặng thì có uống sâm cũng khó phục hồi", đại biểu của tỉnh Lâm Đồng ví von.

Đồng tình với nhận xét này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng gói giải pháp nhìn chung chỉ mang tính khích lệ tinh thần, còn tác động thực tế chưa thực sự nhiều. Gói hỗ trợ về thuế chủ yếu chỉ là hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp, chỉ hình thành và hiện hữu khi doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh và có lãi. Việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thực tế chỉ có tác dụng với doanh nghiệp có lãi mà không tác động tới đại bộ phận đang phải vật lộn với chi phí đầu vào quá cao.

Theo đại biểu Hải, số lượng doanh nghiệp được hưởng gói giải pháp của Chính phủ chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi gần 40% doanh nghiệp khác có tiềm năng phát triển và đóng góp tốt nhưng gặp khó khăn nhất thời vì điều kiện khách quan lại không được hỗ trợ.

Do đó, đại biểu đề xuất giảm thuế VAT và kiểm soát giá chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa cơ bản làm nguyên liệu đầu vào của sản xuất như điện, than, dầu khí, xi măng, sắt thép; miễn giảm hoặc giãn nộp thuế đối với doanh nghiệp có nhiều hàng tồn kho. "Làm sao để doanh nghiệp được hưởng giảm, giãn, hoãn thuế khi tăng chi tiêu đầu vào, thay vì chỉ được hưởng khi doanh nghiệp có doanh thu và có lãi như gói hỗ trợ hiện nay", đại biểu nhấn mạnh.

Các đại biểu cũng lo ngại mức giãn, giảm thuế 30% cho doanh nghiệp vừa và nhỏ như đề xuất của Chính phủ là chưa đủ "liều" và cần giảm thêm nữa để phát huy tác dụng khi hơn 50% doanh nghiệp hoạt động không có lãi, thua lỗ. Theo tính toán của Chính phủ, việc giảm thuế TNDN từ 25% xuống 20% có thể làm ngân sách giảm 25.000 tỷ đồng. Đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) lại cho rằng dù giảm thuế mạnh hơn nữa vẫn có thể giúp ngân sách tăng. "Chúng tôi cũng hiểu không nên gây rủi ro cho ngân sách nhưng nếu doanh nghiệp chết sẽ là rủi ro lớn hơn cho nền kinh tế. Hơn nữa, giảm thuế tạo động lực để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, từ đó sẽ tăng nguồn thu ngân sách", đại biểu phân tích.

Các giải pháp Chính phủ đã trình, theo ước tính, làm giảm thu ngân sách năm nay khoảng 9.000 tỷ đồng cho 450.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tức chỉ tương đương 20 triệu đồng mỗi doanh nghiệp. "Tôi tin ngân sách của chúng ta có thể hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn thế", đại biểu Mai Hữu Tín nhìn nhận.

Cũng về việc giảm 30% thuế TNDN cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) đề nghị xem lại cách thức phân loại doanh nghiệp. Hai tiêu chí phân loại hiện nay là quy mô tổng tài sản và số lao động bình quân năm, trong đó vốn là tiêu chí ưu tiên. Bất hợp lý là thay vì lấy vốn điều lệ hoặc vốn sở hữu chủ làm cơ sở thì lại sử dụng tổng tài sản, tức bao gồm cả vốn vay, vốn huy động từ các nguồn khác - những yếu tố luôn thay đổi theo hoạt động trong từng thời kỳ - làm cơ sở. Do vậy với một doanh nghiệp có vốn chủ 30 tỷ đồng nhưng nếu tổng tài sản vượt 100 tỷ đồng sẽ không được hưởng việc giảm thuế này.

Mức thuế TNDN 25% hiện nay dù Chính phủ cho rằng không cao nhưng theo đại biểu Hữu Tín, các doanh nghiệp đang phải trả chi phí cao hơn ở một số nước và phải chấp nhận nhiều mức thuế không chính thức nên ngay cả khi giảm thuế TNDN xuống 20% thì vẫn cao hơn số thuế thực phải nộp của doanh nghiệp. "Có một số chi phí ở Việt Nam không được thừa nhận như thù lao cho thành viên, mời chuyên gia, nhà quản lý giỏi làm thành viên HĐQT độc lập… Đây là những chi phí hợp lý nhưng chúng ta lại không chấp nhận. Do đó, thuế TNDN thực nộp cao hơn con số danh nghĩa 25%", ông Tín nói.

Tỷ lệ chi phí quảng cáo bị khống chế không quá 10% tổng chi phí. Doanh nghiệp nào chi quá mức này sẽ bị xuất toán. Để cạnh tranh họ vẫn phải chi vượt mức 10% và chấp nhận bị xuất toán. Số lãi thực do vậy thấp hơn số lãi quyết toán với cơ quan thuế. Như vậy, doanh nghiệp đang phải thực nộp số thuế cao hơn 25%.

Trước đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách bày tỏ không đồng ý việc giảm thuế khoán, thuế TNDN cho các hộ cá nhân kinh doanh nhà trọ, sinh viên, người trông giữ trẻ. Tuy nhiên, đại diện cho tiếng nói cử tri TP HCM, đại biểu Trương Thị Ánh đề nghị Quốc hội đồng thuận với đề xuất của Chính phủ.

"TP HCM có trên một triệu công nhân, sinh viên đến sinh sống, học tập. Ăn ở là nhu cầu chính đáng nhất với họ, nhất là người lao động nghèo. Qua thực tiễn của TP HCM, nhóm đối tượng này có tác động tốt để sản sinh xã hội. TP HCM đã tổ chức khảo sát, vận động đối tượng kinh doanh cam kết không tăng giá… qua một năm sơ kết, đánh giá đã tạo sự lan tỏa và đồng tình cao của người dân", đại biểu lý giải. Do đó, đại biểu Ánh đề nghị thực hiện chính sách như năm 2011 để đảm bảo vĩ mô, an sinh xã hội.

Trình bày về ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết đa số ý kiến đồng thuận việc giảm thuế TNDN và các giải pháp của Chính phủ. Tuy nhiên, theo ông Hiển, hầu hết ý kiến lại không tán thành việc miễn thuế khoán, thuế TNDN như trong đề xuất vì mức giảm nhỏ, không đáng kể, phạm vi giảm thuế còn hẹp, chưa công bằng giữa các lĩnh vực khác nhau. Một số ý kiến đề xuất miễn thuế TNCN và VAT ở bậc 1 như Nghị quyết 08 của Quốc hội và giảm thuế VAT để kích thích tiêu dùng.

 

Thanh Lan - Song Linh

Việt Báo (Theo_VnExpress.net)

 

 

Share this