Tin Tức

Khống chế chi phí quảng cáo là “trói tay” doanh nghiệp

5/31/2013 12:00:00 AM

“Đặt ra giới hạn tỷ lệ chi không phải là một cách làm hay mà còn tự trói tay các doanh nghiệp trong cạnh tranh. Tôi đề nghị bỏ tỷ lệ khống chế đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại ngay trong lần sửa đổi này”, đại biểu Mai Hữu Tín đề xuất.

Sáng nay 29/5, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Một trong những điểm mà đa số đại biểu Quốc hội quan tâm và đóng góp ý kiến cho dự thảo là việc nâng mức khống chế đối với chi phí quảng cáo tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng, môi giới từ 10% lên 15%.

Tán thành với dự thảo nhưng đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề nghị cơ quan làm luật cần quy định lộ trình tiến tới bỏ mức khống chế nêu trên để phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, dự thảo luật cần quy định mức khống chế được trừ theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu thay vì tính trên tổng chi phí được trừ như quy định của dự thảo để tránh sự phức tạp trong tính toán, đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch. Và theo đại biểu Bé, cơ quan làm luật cần bổ sung quy định về tỷ lệ khống chế đối với lĩnh vực kinh doanh đặc thù, các mặt hàng độc quyền, không cần phải chi phí cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị như điện, xăng dầu, kinh doanh nước sạch.

“Việc quy định chung tỷ lệ khống chế quảng cáo của các mặt hàng độc quyền với các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có tính cạnh tranh sẽ không đảm bảo tính công bằng”, đại biểu Bé nhấn mạnh.

Cũng đồng tình với dự thảo về việc nâng trần khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị lên 15% nhưng đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thấy chưa hợp lý cho nhóm doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Tôi đề nghị sửa theo hướng theo tỷ lệ % mà chúng ta sản xuất kinh doanh, % theo doanh thu, tính tỷ lệ % thì hợp lý hơn. Nếu chúng ta ấn định 15% thì doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ chi phí”.

Đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) cho rằng: “Việc tăng mức khống chế từ 10 lên 15% theo dự thảo là một bước tiến, sau rất nhiều than phiền của doanh nghiệp từ khi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ra đời. Tôi không cho rằng, việc bỏ tỷ lệ khống chế sẽ làm giảm nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách. Doanh nghiệp buộc phải chi các khoản này để tồn tại, để cạnh tranh được, để tăng thị phần và để gia tăng lợi nhuận của chính họ. Họ không có lý do gì để chi tiền nhiều hơn nhằm giảm lợi nhuận của họ và dẫn đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Thực tế những doanh nghiệp trong một số ít ngành hàng mới cần chi ở mức cao, trong khi đại đa số doanh nghiệp không cần chi nhiều”.

Do đó, theo đại biểu này, việc đặt ra giới hạn tỷ lệ chi trong khi hầu hết các nước không áp dụng “không phải là một cách làm hay mà còn tự trói tay các doanh nghiệp của chúng ta trong cạnh tranh thay vì hỗ trợ cho họ. Tôi đề nghị chúng ta bỏ tỷ lệ khống chế đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại ngay trong lần sửa đổi này”.

Đồng tình với việc bỏ tỷ lệ khống chế đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng: Việc quy định khống chế tỷ lệ một mức như dự án luật là gây bất lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì quy mô nhỏ nên với tỷ lệ chi tối đa dù có lên 15% thì tổng chi tuyệt đối của họ sẽ nhỏ, rất khó để doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng thương hiệu.

Vì vậy, “để đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp, tôi đề nghị dự án luật quy định theo hướng mức khống chế được trừ không quá 15% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp, đồng thời đề nghị bổ sung vào dự án luật quy định về lộ trình tiến tới bỏ mức khống chế nêu trên để phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo sự hấp dẫn của môi trường đầu tư”, đại biểu Tấn nói.

Theo đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam), Ban soạn thảo dự án luật không nên khống chế trần chi phí quảng cáo được tính trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng có thể xác lập nguyên tắc mềm quy định doanh nghiệp chỉ được tính giảm trừ 50% tổng chi phí quảng cáo phát sinh không căn cứ vào tổng số chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp được tính trừ hoặc có thể cho phép doanh nghiệp được tính giảm trừ 15 đến 20% tổng doanh thu từ sản xuất kinh doanh dịch vụ của năm tài chính.

Phần chi phí thực chi vượt trội có thể được chuyển tính vào năm tiếp theo. Việc này cho phép doanh nghiệp có thể chủ động quyết định được ngân sách chi cho quảng cáo của họ tùy thuộc vào mục tiêu kinh doanh xây dựng được thương hiệu, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.

“Cần tính giảm trừ chi phí quảng cáo theo nguyên tắc tránh cào bằng, mà căn cứ theo tính chất từng nhóm ngành và thời điểm, thời gian quảng cáo. Theo tinh thần này nên phân biệt mức giảm trừ chi phí quảng cáo trong thu nhập tính thuế theo tính chất ngành của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần giảm mức chi phí quảng cáo được khấu trừ nhằm ngăn chặn tiêu dùng quá mức đối với những sản phẩm gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng như rượu, thuốc lá”, đại biểu đóng góp ý kiến.

Qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) thấy không cần phải khống chế theo tỷ lệ phần trăm 10% hay 15% đối với những khoản chi quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Theo đại biểu Vẻ, nếu khống chế tỷ lệ phần trăm như dự thảo thì vừa phức tạp, vừa khó khăn cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu; trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hãng nước ngoài bán hàng vào thị trường của ta có tiềm lực mạnh, thương hiệu lớn và có nguồn lực tài trợ từ công ty mẹ nước ngoài tài trợ cho họ để chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp nước ta.

“Vô hình chung doanh nghiệp Việt Nam có thể bị thua ngay trên sân nhà bởi chính những quy định của chúng ta, đó là chưa kể đến doanh nghiệp của ta phải quảng bá và vươn ra nước ngoài trường hợp cần phải giữ tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước thì xin quy định tỷ lệ phần trăm hợp lý tính trên doanh thu”, đại biểu nhấn mạnh.

 

Theo Nguyễn Hiền (Dân Trí)

Share this