Tin Tức

Thời sự và suy ngẫm: Phía sau hai chữ "Doanh nhân"

10/17/2012 12:00:00 AM

Ngày 13/10 năm nay rơi vào ngày thứ Bảy, một ngày đẹp để doanh nhân Việt Nam có thêm thời gian đón mừng ngày của mình, và chắc là cũng có thêm thời gian suy ngẫm về nghiệp mình đã chọn.

Gần một năm vất vả, nhọc nhằn nữa lại sắp trôi qua. Phần lớn các con số kế hoạch đã định cho năm 2012 này đang được nhiều doanh nghiệp xem xét điều chỉnh theo hướng giảm. Áp lực của chi phí gia tăng, nguồn vốn hạn hẹp và sức mua thấp tiếp tục ám ảnh ngay cả những doanh nhân sành sỏi nhất, nhiều kinh nghiệm nhất. Đã có nhiều người chấp nhận rời cuộc chơi, tạm gác lại những toan tính lớn lao để tìm việc làm, cố gắng nuôi sống được chính mình và gia đình trước đã. Số còn lại, bao gồm cả những anh chị may mắn hơn, tiếp tục căng sức ra đối diện với khó khăn, tiếp tục hy vọng.

Những gì có thể làm được chắc là mọi doanh nhân đều đã thử làm trong khả năng cho phép: cắt bỏ các khoản đầu tư ngoài hoạt động chính; tinh gọn nhân sự; bán bớt tài sản có thể bán; chấp nhận bán hàng hóa, dịch vụ của mình với giá vốn và thậm chí là dưới vốn; dồn tài sản của cá nhân vào hỗ trợ doanh nghiệp; tiết kiệm chi tiêu tối đa, v.v… Tất cả chỉ để hướng đến mục tiêu tồn tại. “Phải tồn tại cho được đã” là câu nói thường được nghe từ doanh nhân vào lúc này.

Với câu hỏi “lo lắng lớn nhất là gì” nếu phải lâm vào cảnh phá sản thì câu trả lời phổ biến nhất, thật thú vị, là “cuộc sống sau đó cho người lao động”. Xem ra doanh nhân Việt Nam rất biết yêu thương và chăm sóc cho các cộng sự của mình. Lo lắng kế tiếp là gì? Là cái nhìn thiếu thiện cảm của xã hội dành cho người thất bại. Khi doanh nhân thua cuộc thì những lỗi lầm dù nhỏ của họ, kể cả trong kinh doanh lẫn cuộc sống cá nhân, đều được khai thác, đàm tiếu, chê bai. Mọi đóng góp trước đó của họ đột nhiên không còn giá trị và không được nhớ đến. Cùng với việc phá sản hay vỡ nợ họ có thể từ anh hùng biến thành tội đồ.

 “Lợi ích nhóm” là cụm từ xuất hiện rất thường xuyên trong thời gian gần đây và gắn với doanh nhân, dù có thể khẳng định là đại đa số doanh nhân Việt Nam không biết, hoặc không có quan hệ gì, với những “nhóm lợi ích” như vậy. “Đại gia” cũng là một cụm từ về doanh nhân rất được ưa dùng nhưng phần lớn mang nghĩa tiêu cực. Doanh nhân có phải là những người giàu có, hợm hĩnh, kiêu ngạo, phung phí, bóc lột, sẳn sàng bỏ tiền vào những trò vui khác người không?

 Cùng với sự đổi mới, phát triển và hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu, đã có hai thế hệ doanh nhân Việt Nam nối tiếp nhau gánh vác những trọng trách lớn lao của đất nước. Mỗi sản phẩm đến được với người tiêu dùng, mỗi việc làm được tạo ra trong doanh nghiệp, mỗi đồng thuế doanh nghiệp đóng góp cho nhà nước, đều mang nặng công sức và cố gắng của doanh nhân. Từ chỗ chỉ biết làm gia công thuê, bán sức lao động giản đơn, nay chúng ta đã có hàng trăm nghìn doanh nhân đủ khả năng giao dịch, kinh doanh, hợp tác sòng phẳng với doanh nhân quốc tế. Một số doanh nhân của chúng ta đã dẫn dắt doanh nghiệp của mình đạt đến độ phức tạp có thể cạnh tranh với các thương hiệu đa quốc gia.

 Tôi may mắn được biết nhiều anh chị dù đã có cuộc sống sung túc, ổn định nhưng vẫn miệt mài làm việc với khát khao khẳng định được giá trị của sản phẩm Việt Nam, của thương hiệu Việt Nam, của con người Việt Nam trên thị trường thế giới. Họ nhiệt tình tham gia vào các hoạt động cộng đồng, các chương trình xã hội, các tổ chức từ thiện, bằng chính tiền túi của mình mà không màng ai biết. Họ lao tâm khổ trí đối phó với những điều chưa hợp lý trong xã hội ngày này qua ngày khác nhưng vẫn giữ niềm tin vào sự phát triển của gióng nòi, của dân tộc. Họ tạo thành những tấm gương sáng để học sinh, sinh viên Việt Nam có thêm động lực phấn đấu noi theo. Ít ai hiểu trong suy tư hàng ngày của mình doanh nhân lẻ loi và cô đơn như thế nào để mang lại những giá trị chung như vậy cho xã hội. Ít ai hiểu đằng sau những hào nhoáng gắn liền với hai chữ “doanh nhân” là bao nhiêu trăn trở, đớn đau và hy sinh cá nhân để giữ việc làm cho người lao động, để doanh nghiệp có thể đứng vững.

 Hãy nhìn vào số việc làm mà doanh nhân Việt Nam đang tạo ra cho xã hội. Hãy nhìn vào đóng góp của doanh nhân Việt Nam trong tổng sản phẩm quốc nội. Với tôi doanh nhân là những anh hùng đơn độc. Và do vậy khi họ gặp khó khăn thì sự sẻ chia, thông cảm của mọi thành phần trong xã hội cần cho họ biết bao. Mong lắm thay một sự thay đổi trong nhận thức về những doanh nhân Việt Nam thật thụ nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 này!

TS Mai Hữu Tín - Chủ tịch hội DNT Việt Nam

Chủ tịch HĐQT- TGĐ Công ty cổ phần đầu tư U&I

(*)Bài viết nguyên bản của TS Mai Hữu Tín - Báo Tuổi Trẻ ra ngày 13/10/2012

Share this